Chuyện là trong mỗi buổi tư vấn, trước khi đề xuất các giải pháp tài chính cho khách hàng, mình thường có vài câu hỏi khảo sát về cuộc sống của gia đình để có bức tranh tổng thể. Có lần đoạn hội thoại diễn ra như thế này:
"Tỷ lệ đóng góp chi phí sinh hoạt giữa anh chị hiện là khoảng bao nhiêu ạ?"
"Anh đóng góp 100%". Anh chồng đáp lại ngay lập tức.
"Tại sao anh lại thấy rằng là mình đang đóng góp 100% ạ?". Mình hỏi lại để làm rõ hơn bối cảnh.
"Vì vợ anh có đi làm đâu?". Anh chồng trả lời đầy quả quyết.
"Anh cho em hỏi, để thuê một người giúp việc tận tụy làm từ việc bếp núp, chăm sóc con cái cho tới dọn dẹp nhà cửa thì anh nghĩ là sẽ tốn khoảng bao nhiêu tiền?". Mình đặt câu hỏi chậm rãi cho anh.
"Chắc là khoảng 15 triệu". Anh có đôi chút chần chừ.
"Vậy kể cả là dành ra 15 triệu thì theo anh, họ có chăm sóc anh và các bạn nhà mình bằng tình yêu thương như chị đang làm không ạ?
...
Sự thật là còn rất nhiều người vẫn nhầm lẫn rằng người làm nghề nội trợ là không đi làm. Thậm chí dùng những lời lẽ nặng nề hơn như "ăn bám".
Đi làm cần hiểu là việc chúng ta dùng một công cụ nào đó để tạo ra giá trị. Chứ không nhất thiết là cứ phải là đều đặn mang tiền về mới là đi làm. Như chính câu chuyện trên, Ngọc Anh tin rằng nếu được trả tiền thì chị vợ xứng đáng được trả hơn con số 15 triệu kia nhiều lần.
Trên thực tế, ở các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ,… Nghề nội trợ là một nghề được tôn trọng, vinh danh vì những đóng góp cho sự phát triển của đất nước, thậm chí là nhận lương hằng tháng.
Dưới quan điểm cá nhân của mình, phụ nữ Việt Nam mặt bằng chung là vất vả hơn phụ nữ ở nhiều quốc gia khác khi vừa phải giỏi việc nước, vừa phải đảm việc nhà.
Tập trung vào công việc quá cũng không ổn, ở nhà quá mà chồng không thấu hiểu thì cũng không ổn. Mà tập trung cho 2 món kia quá mà không ngó ngàng đến chồng cũng không ổn nốt haha.
Cũng bởi đa phần chúng ta đến với nhau theo một cách bị động hay nói vui là chữa cháy. Ừ đến tuổi thì lấy, ừ thì đẻ đi cho sớm tuổi, ừ thì bác ... Và gần như không có đích chung về thế nào gọi là tổ ấm hạnh phúc.
Tư duy ngược lại một chút, chuyện gì sẽ xảy ra nếu cả cha và mẹ đều có cái đích là giúp em bé của mình trở nên hạnh phúc?
Hay Báo Ân Tổ Quốc bằng việc góp thêm một hiền tài?
Chắc hẳn sẽ chẳng còn ai dám xem nhẹ Nghề nội trợ nữa. Có khi là còn dành hết mọi sự ưu tiên để người phụ nữ trở nên hạnh phúc. Vì người mẹ hạnh phúc sẽ tạo nên một tổ ấm.
Và những con người xuất chúng nhất đều khởi nguồn từ một người phụ nữ tuyệt vời

Nhận xét
Đăng nhận xét