Những ngày còn thơ bé, Tết trong mắt chúng ta là cả một thế giới màu hồng. Đó là những ngày háo hức đếm ngược chờ mua đồ mới, được ăn ngon, nhận lì xì và nghỉ học dài dài. Tết từng vui vậy đó.
Thế nhưng, khi lớn lên, cảm giác háo hức ấy chẳng biết biến mất đi từ bao giờ. Bỗng dưng, Tết không còn là niềm vui nữa. Mà trở thành chuỗi ngày nghỉ ngắn ngủi đầy ắp nỗi lo.
Làm sao đủ tiền để lo toan?
Làm sao mọi thứ được chu toàn?
Tết từ niềm vui thuần khiết dần trở thành một gánh nặng
Có Thật Là Tết Không Còn Vui?
Có lẽ vì thế mà cũng một số người cho rằng bọn trẻ giờ không còn vui với Tết như ngày xưa vì thiếu đi các trò chơi dân gian, không còn chạy nhảy ngoài sân như trước. Nhưng hãy dừng lại một chút.
Chúng ta có thực sự biết trẻ con cảm thấy thế nào không?
Hay chỉ là đang áp đặt cái tưởng của mình lên chúng?
Hình như chẳng có đứa trẻ nào than phiền cả. Tụi nhỏ vẫn háo hức được nghỉ học, được ngủ nướng, vẫn mong chờ đồ ăn ngon, vẫn thích nhận lì xì. Dù chơi game trên điện thoại hay chơi trốn tìm ngoài sân, chúng vẫn tận hưởng Tết theo cách của riêng mình. Chúng không cần phải có một cái Tết "giống ngày xưa" mới cảm thấy hạnh phúc.
Về phía người lớn, chúng ta cũng đâu biết Tết của thế kỷ trước ra sao, nhưng vẫn vui với cái Tết của thời thơ ấu đó thôi. Vậy chắc chắn là con trẻ ngày nay cũng có niềm vui đặc biệt với Tết của chúng.
Vậy nỗi buồn về Tết thực ra đến từ đâu?
Từ Tết, hay từ chính tham tưởng của chúng ta?
Tham Tưởng Là Gì?
Tham và tưởng là trọng điểm của tánh người.
Do tham và tưởng về tài, tham và tưởng về sắc, tham và tưởng về danh, tham và tưởng thực, tham và tưởng về thùy, hay còn gọi là tham và tưởng về tài, sắc, danh, thực, thùy mà quyết định mức độ, cấp độ của sân, si, mạn, nghi, ác, kiến; quyết định thọ cái gì, hành thế nào và thức ra sao.
Tham nghĩa là ham muốn, hay còn gọi là mong muốn. Bản chất tham không có vấn đề nhưng do hiện nay chúng ta đồng hóa tham thành tham lam nên nói tham là xấu, là tệ. Thực chất tham chỉ là mong muốn mà thôi. Con người luôn luôn ham muốn một cái gì đó: tham con mình trưởng thành, tham thấu hiểu chính mình…. Ngay cả Đức Phật cũng có tánh tham này, đó là tham phổ độ chúng sinh, tham khai thị con người ngộ nhập Phật tri kiến.
Tưởng: có 3 trạng thái của tưởng: tưởng tượng (hiện tại), tưởng nhớ (quá khứ), liệu định (tương lai). Con người đặt cái tưởng về quá khứ thì tưởng nhớ, nhưng cái tưởng ở hiện tại thì đó là tưởng tượng, còn nếu đặt cái tưởng về tương lai thì đó là liệu định.
Con người mà không còn tham và tưởng nữa – tức là không còn ham muốn, mong muốn gì cho hiện tại, cho tương lai, không nhớ gì đến quá khứ thì không còn là con người nữa. Nên, tham và tưởng là trọng điểm của tánh người. Có thể là tham và tưởng về tài, tham và tưởng về sắc, tham và tưởng về danh, tham và tưởng về thực, tham và tưởng về thùy hoặc tham và tưởng về cả tài, sắc, danh, thực, thùy.
Tham và tưởng về cái gì sẽ khởi tạo vòng ngoài theo chiều hướng nào, quyết định thọ cái gì, hành ra sao, thức thế nào.
Dừng tham tưởng – Tết sẽ vui lại
Cao nhân, thiện tri thức cho chúng ta hiểu biết rằng: Khi tham tưởng được buông, được dừng, được thôi, được dứt, an vui tự nhiên hiển lộ.
Khi ta không còn so sánh Tết năm nay với Tết năm xưa, không còn mong cầu nó phải hoàn hảo theo ký ức nào đó, ta sẽ nhận ra rằng Tết vốn dĩ đã trọn vẹn như chính nó đang là.
Hay bây giờ thử một lần dừng lại và nhìn Tết bằng đôi mắt trẻ thơ. Không so sánh nó với quá khứ, không đặt lên nó bất kỳ tiêu chuẩn nào. Chỉ đơn giản là tận hưởng những khoảnh khắc đang có: một bữa cơm gia đình, một câu chúc đầu năm, một khoảng thời gian nghỉ ngơi trọn vẹn
Tết không thay đổi. Chỉ có chúng ta đã đổi thay. Và cách để Tết vui trở lại không nằm ở việc tìm kiếm một Tết như ngày xưa, mà ở việc hài lòng nội tâm về những gì mình đang có.
Khi đó, "Tết" sẽ quay lại.
Nhận xét
Đăng nhận xét