Trong nhịp sống hiện đại đầy bộn bề, ta thường tìm đến cửa chùa để nuôi dưỡng những khoảnh khắc bình an. Ngọc Anh cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, một câu hỏi luôn làm Ngọc Anh băn khoăn: Tại sao cả Phật và Bồ Tát đều là những bậc giác ngộ, nhưng trong khi tượng Phật mang trang phục giản đơn, tượng Bồ Tát lại vô cùng tinh xảo với những bộ trang phục và trang sức lộng lẫy?
Không lẽ nào một bậc giác ngộ lại bám chấp vào sắc thân hay vật chất như vậy?
Cao nhân chỉ điểm
Thực ra, mỗi một hình tượng trong Đạo Phật đều mang trong mình những ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Đạo Phật có hai nhóm chính: tu sĩ (xuất sĩ, người xuất gia) và cư sĩ (người tu tại gia). Cả hai nhóm này đều hướng đến mục tiêu chung là hạnh phúc, giác ngộ giải thoát và lan tỏa con đường này đến mọi người.
Dù khác nhau về hình tướng nhưng về thành tựu tâm tướng, hai nhóm này hoàn toàn không có sự khác biệt. Trong lịch sử, có không ít vị giác ngộ trong hình tướng của một cư sĩ tại gia như Cư Sĩ Duy Ma Cật, Cư Sĩ Cấp Cô Độc, Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam,... Những vị này, dù hình tướng là người bình thường, nhưng trí tuệ, tình yêu thương và năng lực giảng dạy Phật Pháp của họ không thua kém gì những người xuất gia tu đạo.
Cư Sĩ Duy Ma Cật là một người giàu có nhưng lại thông hiểu sâu sắc giáo lý nhà Phật và có khả năng tranh luận với các vị đệ tử xuất sắc của Đức Phật.
Cư Sĩ Cấp Cô Độc nổi tiếng với lòng từ bi và sự giàu có, đã cúng dường không biết bao nhiêu tài sản để xây dựng chùa chiền và giúp đỡ người nghèo khó.
Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam, một vị đại cư sĩ hiện đại, đã giảng dạy và truyền bá Phật Pháp rộng rãi, ảnh hưởng đến rất nhiều người tu tập.
Tuy nhiên, những trường hợp như trên chỉ là thiểu số. Phần lớn, những người tu sĩ với cuộc sống xuất thế gian, chuyên tâm tu học và thực hành giáo lý, thường nắm vững giáo lý hơn đa phần cư sĩ. Họ trở thành những ngọn hải đăng, những người hướng dẫn, chia sẻ giáo lý và dẫn dắt chúng ta trên con đường giải thoát. Họ là những người dành cả đời để học hỏi, thực hành và truyền bá giáo lý nhà Phật, giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi bể khổ luân hồi.
Nếu để hình tượng hóa, người tu sĩ sẽ tương tự như con đường, dẫn dắt con người những bước đầu tiên vào đạo. Họ là những người mở lối, chỉ đường và giúp chúng ta đặt những bước chân đầu tiên trên con đường giác ngộ. Còn người cư sĩ sẽ giống như cây cầu, kết nối và đưa người ta đến gần hơn với con đường Đạo. Họ sống giữa đời thường, dùng cuộc sống và hành động của mình để lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Đạo Phật, tạo điều kiện cho người khác tìm đến và bước vào con đường tu học.
Sứ mệnh của người Phật tử tại gia
Hiểu được ý nghĩa trên, chúng ta sẽ thấy ý nghĩa sau hình tượng Bồ tát dần sáng tỏ. Tượng Bồ Tát, với vẻ đẹp lộng lẫy và trang phục tinh xảo, không chỉ đơn thuần là hình ảnh trang trí. Mà còn mang một thông điệp sâu sắc về sứ mệnh của người Phật tử tại gia. Là một Phật tử tại gia, không chỉ là tu học để tự tìm kiếm sự giải thoát cho riêng mình, mà còn là trở thành nhân mạch, cây cầu dẫn dắt người khác đến với các vị thầy lớn và với con thuyền lớn
Bài học sâu sắc ở đây là, nếu đang là cư sĩ tại gia, chúng ta cần trọn vẹn từ việc tu dưỡng tâm hồn đến việc chăm sóc bản thân và phát triển các mối quan hệ xung quanh. Việc tu học không chỉ giới hạn trong việc đọc kinh, tụng niệm hay thiền định, mà còn phải được thể hiện qua cuộc sống hàng ngày. Nếu chỉ học mà ngày càng trở nên cô tịch và kém dễ thương, thì dù có nói toàn "lời vàng ý ngọc" cũng vô ích.
Ngược lại, học mà ngày càng "tốt đời đẹp Đạo", "nhập gia tùy tục", "tùy duyên mà an" thì chẳng cần nói người ta cũng tin - ấy chính là Thân giáo
Tự nhiên nói đến đây, Ngọc Anh nhớ tới nguyện của Quán Thế Âm Bồ Tát
"Nếu có vô số chúng sinh chịu khổ nạn, tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, thì Quán Thế Âm Bồ Tát liền quan sát tiếng tăm ấy, mà hóa ra thân hình phù hợp để cứu độ."
Từ thân Phật cho tới thân của một em bé...
Nhận xét
Đăng nhận xét